Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nỗ lực tạo đột phá trong chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần ổn định kinh tế, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới, tỉnh nỗ lực thúc đẩy CĐS trên nhiều lĩnh vực.

Để triển khai CĐS bền vững, thực chất, đồng bộ, dữ liệu số là yếu tố quyết định, là nền tảng để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo tập trung triển khai 5 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu... Rà soát, cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức giúp dữ liệu được “đúng - đủ - sạch - sống” đảm bảo kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời kết nối, chia sẻ về kho dữ liệu dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành hướng tới sử dụng lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ trong công tác cán bộ.

Thúc đẩy CĐS, tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, hạ tầng số. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh, cung cấp 1.497 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần; 72,58% DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ; 24,14% hồ sơ được xử lý trực tuyến; cổng DVC của tỉnh kết nối với cổng DVC trực tuyến Chính phủ và triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov) tại tỉnh. 

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương lựa chọn nội dung đột phá “phát triển thương mại điện tử (TMĐT) với mục tiêu hỗ trợ hợp tác xã, công ty và hộ kinh doanh tìm đầu ra, tiêu thụ các sản phẩm, nông sản”. Từ năm 2019 đến nay, Sở Công thương phối hợp tổ chức tập huấn về TMĐT cho gần 1.700 học viên là cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ 24 đơn vị xây dựng, vận hành phần mềm quản lý dữ liệu theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp TMĐT; hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng online và phần mềm quản lý bán hàng thông minh; quản lý, vận hành 3 hệ thống phần mềm TMĐT; đưa 3.806 sản phẩm lên sàn TMĐT, tiếp cận được với khách hàng trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, gia tăng doanh số bán hàng.

 

 

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Quảng Hòa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Quảng Hòa đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh đều đang chuyển mình trên không gian số, như: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai nền tảng cửa khẩu số tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, triển khai mới Phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và quản lý hồ sơ giáo dục, phần mềm có chức năng đồng bộ dữ liệu với CSDL ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, duy trì hệ thống học và họp trực tuyển qua nền tảng MicrosoftTeam với các tài khoản được cung cấp miễn phí không giới hạn thời gian sử dụng (đến nay đã cấp 91.000 tài khoản cho học sinh, 9.000 tài khoản cho giáo viên); lĩnh vực nội vụ, triển khai tập huấn lập hồ sơ điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice 4.0 tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, Thành phố; tạo lập CSDL, số hóa tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ lịch sử giai đoạn 2022 - 2025; xây dựng, đưa vào sử dụng CSDL về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, hệ thống chấm điểm cải cách hành chính; lĩnh vực văn hóa, thể thao và  du lịch triển khai, đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh tỉnh; Hệ thống số hóa dữ liệu du lịch, thực tế ảo, du lịch trải nghiệm 3D; số hóa di sản văn hóa tỉnh Cao Bằng;  lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội: triển khai hệ thống phần mềm an sinh xã hội; xây dựng sàn giao dịch việc làm (trực tiếp, trực tuyến), kết nối cung - cầu lao động; lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh; lĩnh vực y tế triển khai nền tảng trạm y tế xã, nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), đến nay, 100% cơ sở y tế phường, xã, phòng khám khu vực sử dụng, khai thác nền tảng trạm y tế xã…

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai CĐS bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Trong năm 2023, tỉnh phê duyệt danh mục gồm 33 CSDL dùng chung, 82 CSDL mở để các cơ quan, đơn vị làm căn cứ xây dựng lộ trình kết nối, tích hợp, cung cấp dữ liệu về hệ thống dữ liệu của tỉnh theo quy định; xây dựng và ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở trong phạm vi cơ quan, đơn vị; quản lý, vận hành hệ thống thông tin đảm bảo việc tiếp cận, trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu được thông suốt, kịp thời; đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin; đề xuất xây dựng mới hoặc điều chỉnh, nâng cấp hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị, đảm bảo khả năng sẵn sàng và thực hiện kết nối với các hệ thống thông tin đã triển khai tại danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở tỉnh.

Thực hiện Đề án 06, tỉnh tạo lập kho dữ liệu dân cư khá đầy đủ, chính xác, phục vụ áp dụng thực hiện nhiều tiện ích. Hỗ trợ người dân tiếp cận, tham gia trong quá trình CĐS, đến nay, tại các xóm thành lập 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC công trực tuyến.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ trao đổi văn bản và xử lý công việc, giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát văn bản, tài liệu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối từ tỉnh đến xã, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí tổ chức các cuộc họp. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh tiếp tục được duy trì triển khai sử dụng hiệu quả, phục vụ chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số. Việc tạo lập, phát triển dữ liệu bổ sung thông tin vào kho dữ liệu dùng chung đang được thực hiện tại 8 ngành, địa phương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện CĐS còn một số tồn tại, hạn chế như: dữ liệu về các lĩnh vực quản lý của tỉnh đang được lưu trữ rời rạc trên các hệ thống thông tin khác nhau, nhiều thông tin dữ liệu cần thiết chưa được tạo lập, chuẩn hóa, số hóa để phục vụ việc tra cứu và chia sẻ; doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng CĐS, thường xuyên sử dụng các nền tảng CĐS còn hạn chế; hạ tầng trung tâm dữ liệu tỉnh trang bị đã lâu, không đáp ứng nhu cầu CĐS, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, các hệ thống thông tin chưa được dịch chuyển, thiết lập trên cơ sở công nghệ điện toán đám mây…

Nguồn Báo Cao Bằng

 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang