Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Hội nghị tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa (CNVH).

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

CNVH ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Giai đoạn 2018 - 2022, các bộ, ngành, địa phương kịp thời chỉ đạo, và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành CNVH; bước đầu tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của CNVH từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định. Các ngành CNVH có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, có giá trị tôn vinh văn hóa, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

 

 

Giá trị sản xuất của các ngành CNVH, giai đoạn 2018 - 2022, đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm; năm 2022, có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH. Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng 7,4%/năm, năm 2022, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH trong giai đoạn 2018 - 2022, tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018, xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành CNVH còn gặp phải những khó khăn, hạn chế từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như: chưa có văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH. Thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng. Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực…

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những rào cản cần tập trung tháo gỡ để phát triển các ngành CNVH. Đề xuất nhiều giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách; những sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao; phát triển thương hiệu quốc gia; giải pháp phát triển nguồn nhân lực…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành CNVH, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành CNVH, trong đó, đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn mới. Các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển, tập trung nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm CNVH, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Đặc biệt, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy, đến hành động để đổi mới, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam sáng tạo, bản sắc, độc đáo chuyên nghiệp, cạnh tranh.

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang