Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phát huy vai trò gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Gia đình (GĐ) là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ vai trò quan trọng của GĐ, với mục tiêu xây dựng GĐ Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, tỉnh đã và đang triển khai nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo và phát động thực hiện công tác GĐ. Qua đó, giảm thiểu tình trạng bạo lực GĐ, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào GĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 13/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng GĐ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền nhận thức rõ GĐ là tế bào, là nền tảng của sự phát triển xã hội; xác định rõ công tác GĐ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đầu tư cho GĐ là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở địa phương đều có nội dung về công tác GĐ trong thời kỳ mới.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức Lễ phát động thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Quảng Lâm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức Lễ phát động thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Quảng Lâm.

Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực GĐ, xây dựng GĐ hạnh phúc trong nhân dân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các ban, ngành, địa phương thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, sân khấu hóa, cổ động bằng xe loa, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư thông qua các buổi họp xóm, tổ dân phố, tổ chức các hội nghị chuyên đề về phổ biến các văn bản pháp luật liên quan về hôn nhân và GĐ, nêu gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình, các mô hình hỗ trợ GĐ có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống GĐ. Từ năm 2013 - 2023, tổ chức trên 9.600 cuộc tuyên truyền, treo trên 7.000 băng rôn tuyên truyền trực quan, duy trì các cụm pano tuyên truyền cố định đặt tại vỉa hè, tường rào các cơ quan, đơn vị; xây dựng được trên 1.000 chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin, bài.

Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày GĐ Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực GĐ, từ tỉnh đến cơ sở diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa trong việc xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống của GĐ Việt Nam: tổ chức Lễ phát động “Bộ tiêu chí ứng xử trong GĐ”, tổ chức chương trình nghệ thuật, trưng bày giới thiệu sách, phục vụ xe ô tô lưu động đa phương tiện, tổ chức tọa đàm, thực hiện baner tại Phố đi bộ Kim Đồng, tổ chức tham quan học tập, giao lưu thể thao…

 

Cùng với tuyên truyền, nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực GĐ và bình đẳng giới được triển khai. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh cấp phát trên 5.000 quyển tài liệu, trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bạo lực GĐ cho 10 huyện, Thành phố và 161 xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác tuyên truyền. Triển khai thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực GĐ tại 3 xã: Ngọc Đào (Hà Quảng), Phúc Sen (Quảng Hòa), Minh Thanh (Nguyên Bình). Hỗ trợ 10 xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, đưa nội dung bình đẳng giới vào tiêu chí công nhận danh hiệu “GĐ văn hóa”, tạo điều kiện cho nam, nữ bình đẳng tham gia xây dựng GĐ văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong GĐ” tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, như: xã Hoàng Tung (Hòa An), Vĩnh Quang (Thành phố), Phong Châu (Trùng Khánh), Đức Xuân (Thạch An), Bảo Toàn (Bảo Lạc), Vũ Minh (Nguyên Bình) với 1.250 hộ GĐ đăng ký thực hiện. 

Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lựcgia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc trong nhân dân luôn được các đoàn thể ở xãThụy Hùng (Thạch An) quan tâm.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc trong nhân dân luôn được các đoàn thể ở xãThụy Hùng (Thạch An) quan tâm.

Công tác GĐ và phong trào xây dựng GĐ văn hóa còn được coi trọng thông qua việc từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào thực sự đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội, đem lại những hiệu quả thiết thực. Từ năm 2013 đến nay, số GĐ văn hóa tăng lên 10,6% (năm 2013, 78,6%, năm 2022 đạt 88%).

Đồng chí Đặng Thu Hồng, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã nâng cao nhận thức, chủ động vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng GĐ hạnh phúc, phấn đấu đạt GĐ văn hóa hằng năm, hạn chế được tình trạng bạo lực GĐ do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thất nghiệp..., góp phần kéo giảm số vụ bạo lực GĐ trong tỉnh. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 146 vụ bạo lực GĐ, năm 2022 giảm xuống còn 52 vụ. Từ những kết quả trên cho thấy, việc triển khai Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 13/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng GĐ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả thiết thực, xây dựng con người với những chuẩn mực, giá trị đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp.

Tuy nhiên, ngày nay đối diện với mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân…, giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số GĐ có biểu hiện xuống cấp và đang bị mai một. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao, nhiều GĐ nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố giá trị cần thiết (cả về vật chất và tinh thần) sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình.

Để khắc phục thực trạng trên đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục sâu sát cơ sở, kịp thời phát hiện, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, đề cao giá trị truyền thống của GĐ Việt Nam… Từ đó, phát huy vai trò của mỗi GĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi GĐ, bảo đảm cho các GĐ có cơ hội tiếp cận các chính sách của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi… để xây dựng GĐ ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguồn Báo Cao Bằng
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang