Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chuyển đổi số cấp xã - Tiếp tục triển khai đồng bộ để cán đích

Sau hơn 1 năm (tháng 4/2021 - đến nay) xã Phúc Sen, thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) và xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) thực hiện thí điểm chuyển đổi số (CĐS) bước đầu tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích, nâng cao dân trí cho người dân. Tuy nhiên, quan tâm đầu tư cho xã thí điểm CĐS còn chậm, chưa theo đúng tiến độ.

 

Cán bộ UBND xã Phúc Sen (Quảng Hòa) xử lý các hồ sơ, thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chính quyền số.

NỖ LỰC XÂY DỰNG HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ SỐ

Để xã, thị trấn có thể bắt nhịp vào cuộc với CĐS cần có hạ tầng công nghệ số (CNS) đồng bộ từ chính quyền xã đến xóm, bản, từng hộ dân. Xúc tiến chuẩn bị điều kiện hạ tầng CNS, chính quyền xã, thị trấn khắc phục khó khăn, quyết tâm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân vào cuộc.

Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) Đàm Thị Phượng cho biết: Để đáp ứng hạ tầng CNS, thị trấn gặp nhiều khó khăn bởi cần phải đầu tư hệ thống đường cáp quang, trạm BTS bắt sóng Wifi, mạng 3G, 4G… Bộ máy hành chính công của xã phải có hệ thống máy vi tính, các phần mềm ứng dụng, mạng LAN, Internet… Người dân cần có điện thoại thông minh ứng dụng nền tảng CNS. Thời gian qua, UBND thị trấn huy động các nguồn lực tài chính để trang bị máy tính, cải thiện, nâng cấp điều kiện làm việc cho hệ thống hành chính công; phối hợp với VNPT Cao Bằng tạo mặt bằng xây dựng hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, số di động 3G, 4G được phủ đến hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, vận động mỗi hộ ít nhất có một điện thoại thông minh để ứng dụng nền tảng CNS.

Đến nay, thị trấn Tà Lùng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) có hạ tầng CNS đạt 80%, băng rộng cáp quang phủ đến 90% hộ dân. VNPT các huyện tối ưu vùng phủ sóng di động, hiện tiếp tục xây dựng thêm trạm BTS tại thị trấn Tà Lùng, xã Phúc Sen và bổ sung các Small Cell để nâng cao chất lượng phủ sóng tại các vùng sóng yếu, sóng lõm.

Để ứng dụng CNS, 100% cán bộ xã, thị trấn, thôn, xóm tham gia các lớp tập huấn, cập nhật tài khoản đơn vị, cá nhân để ứng dụng các phần mềm trong giao dịch, xử lý thủ tục hành chính (TTHC) trên nền tảng CNS như hóa đơn điện tử, tài khoản thanh toán hóa đơn điện tử, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên mạng…

Tại thị trấn Tà Lùng, 80% xóm đã lắp hệ thống camera giám sát tại các điểm công cộng, tập trung đông người và kết nối về điểm giám sát tập trung tại Công an xã nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường. VNPT các huyện triển khai cáp quang, lắp đặt wifi cho nhà văn hóa thôn, các trường học và các trạm y tế để người dân có thể sử dụng sổ khám bệnh điện tử, tham gia họp, học trực tuyến tại các trường học…

Bí thư Chi bộ xóm biên giới Nà Chào - Nà Thắm, thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) Trương Ngọc Hoan, cho biết: Từ khi xóm ứng dụng CNS, 96% hộ kết nối zalo nhóm bí thư chi bộ, trưởng xóm, tổ chức đoàn thể và công an viên, nên có văn bản gì của xã triển khai mọi người đều sớm nhận được, bàn bạc, thảo luận. Tháng 6/2021, bà con tự góp tiền lắp đặt camera an ninh, nhiều hộ kết nối mạng wifi nên con em trong xóm mua thêm máy tính tham gia học trực tuyến, giao dịch công việc khác. Đặc biệt có camera an ninh giúp cho xóm kiểm soát, phát hiện đối tượng xuất cảnh trái phép, buôn bán hàng lậu qua biên giới báo cáo lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng để xử lý kịp thời.

Bên cạnh thị trấn Tà Lùng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được VNPT Cao Bằng quan tâm đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng CNS, thì xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) thuộc gói đầu tư của Viettel Cao Bằng chưa được quan tâm đầu tư, tập huấn theo đúng lộ trình, bỏ ngỏ giữa chừng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La, hiện nay, dân số của xã trên 3.000 người, trong đó 70% có điện thoại thông minh có thể ứng dụng nền tảng CNS; nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã thanh toán bằng ví điện tử, hóa đơn điện tử; xã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thuận lợi cho triển khai CĐS. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn Viettel Cao Bằng tiếp tục triển khai đồng bộ CĐS xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

CHÍNH QUYỀN SỐ KẾT NỐI GẦN DÂN VÀ MINH BẠCH

Bước vào CĐS, thị trấn Tà Lùng, xã Phúc Sen vận hành nền tảng CNS để nhanh chóng công khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật, quyết định, kế hoạch của Đảng và Nhà nước trực tiếp đến từng xóm, người dân; thủ tục hồ sơ của dân gửi đến các bộ phận hành chính xã, thị trấn được công khai trên dịch vụ công trực tuyến, thông tin đến điện thoại thông minh trưởng xóm. Hệ thống trang thông tin ứng dụng CĐS cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động của chính quyền địa phương tới người dân. Đồng thời, cũng là kênh để người dân phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến với lãnh đạo xã.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Lương Văn Huấn cho biết: Để vận hành được chính quyền số, thời gian đầu xã gặp khó khăn vì cán bộ xã, xóm chưa thuần thục sử dụng tài khoản cá nhân, ứng dụng CNS. Sau đó, xã chủ động hướng dẫn nên cán bộ xóm, hộ dân, trường học bắt nhịp được và tham gia vào chính quyền số trên điện thoại thông minh, kết nối zalo, facebook, máy tính kết nối wifi. Đến nay, hầu hết TTHC, văn bản mới xã không sử dụng bản giấy, văn bản được công khai minh bạch trên nền tảng cổng thông tin điện tử một cửa. Thực hiện chính quyền số nên kỷ luật, kỷ cương hành chính của xã được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch trong hoạt động, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Chúng tôi đến xóm Phja Chang (xã Phúc Sen), Bí thư Chi bộ xóm Nông Hùng Quốc cho biết: Từ khi xã CĐS, tôi dùng điện thoại thông minh kết nối thông tin chỉ đạo điều hành từ cấp ủy, chính quyền xã đến xóm để thông tin cho các hộ trong xóm qua nhóm zalo. Do vậy, tôi và các hộ dân được tiếp nhận văn bản mới của cấp ủy, chính quyền xã rất nhanh chóng, minh bạch. Cụ thể như các văn bản mới chỉ đạo về phong trào xây dựng nông thôn mới, tình hình diễn biến dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin Covid-19… rất kịp thời, minh bạch.

Về sự thay đổi trước và sau khi thực hiện chính quyền số, Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng Đàm Thị Phượng nhận định: Hiện nay, thị trấn đảm bảo chuyển tải TTHC nhiều hơn, tần xuất giao dịch lớn hơn. 100% hồ sơ công việc tại UBND thị trấn được tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và giải quyết trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của thị trấn được tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để gửi, nhận văn bản điện tử. 100% cán bộ, công chức có gmail công vụ. Từ CĐS, không còn tồn đọng TTHC trong tiếp nhận, xử lý văn bản. Các cuộc họp trực tuyến quan trọng của Trung ương liên thông từ tỉnh, huyện, xã, thị trấn và mời bí thư chi bộ, trưởng xóm đến tham dự trực tiếp.

NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN TIỆN ÍCH KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Xã, thị trấn CĐS đem lại cho người dân nhiều tiện ích trong các hoạt động giao dịch hành chính công, kinh tế số, xã hội số. VNPT Cao Bằng hướng dẫn cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, tặng tem truy xuất nguồn gốc VNPT check để xác thực nguồn gốc sản phẩm được công nhận thương hiệu lên sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.

Anh Lương Hồng Thái, hộ kinh doanh bán lẻ tại khu tái định cư 2, thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) cho biết: Từ khi được tập huấn CĐS đem lại rất nhiều tiện lợi trong giao dịch thương mại. Tôi chỉ cần ngồi ở nhà vẫn có thể nộp thuế, chuyển hóa đơn điện tử đến cơ quan quản lý nhà nước mà không mất thời gian, chi phí đến các cơ quan để giao dịch, làm thủ tục.

Tại xã Phúc Sen, kinh tế số đem lại lợi ích cho người dân đưa sàn thương mại điện tử gắn tem bảo hộ truy xuất nguồn gốc để bảo hộ thương hiệu. Anh Lương Văn Khiêm, xóm Pác Rằng, hộ rèn nông cụ chia sẻ: Từ năm 2016, tôi đưa sản phẩm rèn thương hiệu “Dao làng rèn Phúc Sen Hà Khiêm” lên mạng youtube, facebook để giao bán trên nhiều đại lý trong cả nước. Nhưng sau một thời gian đã xuất hiện hàng giả kém chất lượng, giá cạnh tranh khiến cho sản lượng từ hơn 2.000 sản phầm/tháng giảm xuống 1.000 sản phẩm/tháng và bị ép giảm giá. Bây giờ, có tem mã số điện tử của VNPT để truy suất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu, tôi đang cố gắng học hỏi ứng dụng CNS để đưa sản phẩm dao Phúc Sen lên sàn thương mại điện tử.

Lợi ích kinh tế số rất thiết thực nhưng hiện nhiều hộ trong xã vẫn chưa mặn mà bởi hiện xã còn nhiều sản phẩm nông sản như khoai lang, củ cải sấy khô, đậu đỗ, bí xanh, hương thơm, giấy bản… chưa được công nhận thương hiệu để đưa lên sàn thương mại điện tử. Bà con mong muốn xây dựng website quảng bá khu du lịch cộng đồng, các sản phẩm nổi tiếng khác để kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn ra thị trường.

CĐS được thực hiện khá tốt lĩnh vực y tế và giáo dục. Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Lương Văn Huấn cho biết: Trước đây, các trạm y tế sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, từ khi CĐS, việc tích hợp sử dụng 1 phần mềm duy nhất đã số hóa và liên thông hơn 40 loại báo cáo, sổ sách từ xã đến huyện, tỉnh, góp phần giảm tải TTHC. Hiện nay, y tế xã triển khai dữ liệu dân số, số hộ của xã cập nhật vào hệ thống để triển khai và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, theo chủ trương ngành y tế.

Đối với lĩnh vực giáo dục, trước đây các nhà trường đều triển khai phần quản lý học sinh trong hệ sinh thái giáo dục thông minh (HSTGDTM). Trong quá trình thí điểm, VNPT Cao Bằng bổ sung thêm các phần mềm trong HSTGDTM như thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, tích hợp thanh toán học phí qua VNPT Pay. Bên cạnh đó, VNPT cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin kịp thời, tăng sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học.
 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Nông Tuệ: Đảng ta xác định CĐS là nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế nếu chậm sẽ nguy cơ tụt hậu. Để thực hiện xã thí điểm CĐS thành công, Sở tiếp tục đốc thúc các đơn vị VNPT và Viettet Cao Bằng đẩy mạnh đầu tư đồng bộ nền tảng CNS; các xã, thị trấn tiếp tục triển khai bài bản CĐS, trong đó, cần ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân như: Cài đặt tài khoản cá nhân kết nối với cổng dịch vụ công, kết nối CNS với dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online, quảng bá nông sản… Mỗi cán bộ, công chức phải tăng cường hơn ứng dụng CNS để thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của CĐS để nâng cao nhận thức người dân tích cực vào cuộc mới tạo đà cán đích thành công CĐS.

 

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang