Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức

Phát triển du lịch bền vững là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Với những lợi thế về lịch sử, văn hóa, con người và tài nguyên du lịch phong phú, Cao Bằng đã và đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao... để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mặc dù đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng du lịch địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bài 1: Phát huy các giá trị di sản xây dựng sản phẩm du lịch mới

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các cấp, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm phát huy các giá trị di sản văn hóa bản địa đặc sắc, di sản Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tiếp tục xây dựng sản phẩm mới thu hút khách du lịch.

Du khách hào hứng checkin tại điểm di sản bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa).

THÊM SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI TỪ VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Với hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, các cấp, ngành làm mới sản phẩm du lịch (SPDL) trong và ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhằm thu hút khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết: Năm 2021 - 2022, Sở tham mưu cho cấp, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm phát triển SPDL mới. Tập trung xây dựng và phát triển các loại hình SPDL độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và phù hợp với thị trường, gồm: du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, lễ hội, du lịch cộng đồng (DLCĐ) trải nghiệm văn hóa bản địa. Năm 2022 và đầu năm 2023, các huyện, Thành phố khởi động trở lại hoạt động lễ hội với nhiều đổi mới, như: Lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Hòa An… Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai (Quảng Hòa)… Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm, Bảo Lạc), Lễ hội du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh)... Mỗi lễ hội là một sự kiện văn hóa đặc sắc từng vùng, miền với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Tày, Nùng, Mông, Lô Lô…

Cùng với đó, khai thác và phát huy thế mạnh DLCĐ, du lịch sinh thái nông nghiệp... Xây dựng và đưa vào hoạt động điểm DLCĐ bản Hoài Khao dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành (Nguyên Bình), DLCĐ bản Khuổi Khon dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Homestay Mộc, xã Cao Chương DLCĐ Làng đá Khuổi Ky, Lan’s Nùng, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) tiếp tục được đầu tư, làm mới… Du lịch về đêm, chợ đêm thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lac), phố đi bộ Kim Đồng, phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố), xúc tiến chuẩn bị mở chợ đêm tại thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh)...

Nhiều điểm thắng cảnh thiên nhiên đẹp được khai thác du lịch mạo hiểm, khám phá trải nghiệm hang động, cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, điểm checkin đẹp… mở ra nhiều điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Anh Lương Gia Hào, khách du lịch trẻ từ Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi cho biết: Sau đại dịch Covid-19, tôi chọn đi Cao Bằng bởi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ. Đến Mắt Thần núi, Nasan Green Farm (Trùng Khánh) những điểm thắng cảnh đẹp có dịch vụ camping, bungalow để du khách trải nghiệm hoạt động ngoài trời với nhiều cảnh quan đẹp, tôi rất thích.

Cùng với làm mới thêm SPDL, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, tăng lên 296 cơ sở lưu trú, trong đó gần 100 cơ sở được xếp hạng sao, còn lại các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn. Phát triển các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chất lượng cao phục vụ du khách.

PHÁT HUY DANH HIỆU CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Tiếp tục phát huy giá trị di sản, danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng khảo sát và đưa thêm vào danh mục gần 30 điểm di sản, xây dựng tuyến du lịch thứ 4 (Quảng Hòa, Thạch An) và tuyến thứ 5 (Bảo Lạc, Bảo Lâm) kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).  Tham mưu cho các cấp, ngành xây dựng điểm checkin mới tại di sản san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), di sản hóa thạch Cúc đá Lũng Luông (Hà Quảng), Mắt Thần núi, vườn dẻ cổ, điểm trải nghiệm bãi sông Thoong Gót (Trùng Khánh), bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa)...

Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết thêm: Tháng 12/2022, trong kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đánh giá cao Cao Bằng đã giữ vững danh hiệu, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC.

Đây là cơ hội quảng bá di sản CVĐC Non nước Cao Bằng vươn ra thế giới. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng có gian hàng giới thiệu du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng và các SPDL Cao Bằng trong những lần tham gia sự kiện mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO tại các nước châu Á, tạo được uy tín để kết nối quảng bá, giới thiệu, bày bán các SPDL Cao Bằng trong mạng lưới đối tác CVĐC được khách quốc tế quan tâm, đánh giá cao. Mở ra cơ hội kết nối du lịch Cao Bằng với CVĐC tỉnh Hà Giang, Đăk Nông, các nước trong khu vực và thế giới. CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp - Phượng Sơn (Trung Quốc) xúc tiến trao đổi ký kết thỏa thuận hợp tác với CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Việt Nam). Cao Bằng được CVĐC Toàn cầu UNESCO Khorat, Thái Lan đánh giá cao và đề xuất các nội dung hợp tác về các hoạt động CVĐC với Cao Bằng.

Với sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, Cao Bằng tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Satun, Thái Lan và bảo vệ thành công đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng.
Quan tâm, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, di sản CVĐC Non nước Cao Bằng, tỉnh đã tạo thêm nhiều SPDL mới, mở rộng hợp tác, quảng bá du lịch với các tỉnh trong nước và các nước có CVĐC toàn cầu. Du lịch Cao Bằng đang phục hồi và có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Bài cuối:  Làm gì để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang