Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chuyển đổi số phải đi trước về trước, đi tắt đón đầu, nắm bắt xu thế của thời đại

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá kết quả năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. Tham dự có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Năm 2022, công tác CĐS và triển khai Đề án 06 đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt, trong đó, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; 66% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34%; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 75% hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng; 85% dân số có điện thoại thông minh; 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Đến ngày 17/2/2023 thu nhận 21.830.518 hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó, phê duyệt 20.081.536 hồ sơ, đạt 92% so với tổng số hồ sơ được thu nhận; 128.855 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 29.110 công dân; 803 tin phản ánh về an ninh trật tự từ 501 công dân qua VneID. Cấp 78.553.494 thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân; 12.269/13.047 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 94,03%, tăng 245 cơ sở so với tháng 12/2022) với 17.518.220 công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc (tăng 8.442.413 công dân so với tháng 12/2022); 13/30 bộ, ngành; 4 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kết nối, khai thác chính thức…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá về thực trạng CĐS và triển khai Đề án 06, chỉ ra kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi - khối), ChatGPT…; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch. Cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch; trên 80% bộ, ngành, địa phương khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; trên 16% tỷ trọng kinh tế số trong GDP; trên 60% dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến; trên 80% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin… Đến tháng 3/2023, nhân rộng, triển khai trên toàn quốc với 2 dịch vụ công liên thông: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS phải đi trước đón đầu, đi trước - về trước, đi tắt đón đầu, nắm bắt xu thế của thời đại, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Ủy ban Quốc gia về CĐS và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch CĐS năm 2023 với tinh thần tổ chức triển khai nhấn mạnh vào chủ đề năm quốc gia về dữ liệu số, hoàn thành trong quý I/2023. Hoạt động phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp, đánh giá kỹ những rào cản, nguyên nhân và đưa ra quyết sách tháo gỡ, không hoạt động hình thức, chung chung, kém hiệu quả. 

Xác định CĐS là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

CĐS là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. CĐS nói chung, trong đó có Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. CĐS triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh hình thức, chồng chéo, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, làm việc nào dứt việc đó; dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống".

CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang