Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Lượt xem: 2174

Các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”… được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Đó là tiền đề quan trọng cho tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GĐ&ĐT), đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; chuẩn bị và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa tặng huy hiệu cho các cá nhân đã từng công tác, giảng dạy tại Cao Bằng có những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành GĐ&ĐT tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Quy mô, mạng lưới trường, điểm trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp, củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 528 cơ sở giáo dục; đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Chất lượng hai mặt giáo dục chuyển biến tích cực, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ lên lớp, chuyển cấp đạt trên 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 95% trở lên, riêng năm 2022 đạt 97,5%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm đầu tư, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt trên 90%. Duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 1; 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; tháng 12/2020, tỉnh được Bộ GĐ&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, trang thiết bị dạy học được bổ sung thường xuyên, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay có 169 trường.

Tuy nhiên, ngành GĐ&ĐT tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu nhiều so với nhu cầu; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số huyện còn  nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất; nhiều trường thiếu giáo viên, nhân viên so với quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục; còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn (theo với quy định mới) đặc biệt ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, từ tháng 7/2020, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đặt ra những yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ GĐ&ĐT) về trình độ chuẩn giáo viên (theo Luật Giáo dục năm 2019); công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn nhiều khó khăn như: điều kiện địa lý, giao thông, thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu quỹ đất để xây dựng trường, phòng học, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu học tập và bảo đảm chất lượng giáo dục; ở vùng sâu, vùng xa trường, lớp phân tán, số trẻ/lớp thấp việc bố trí giáo viên và tổ chức các hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ còn khó khăn.

Cơ sở vật chất tuy có bổ sung nhưng một số danh mục trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động dạy và học còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp, do đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên gặp nhiều khó khăn do điều kiện đầu tư xây dựng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, mật độ dân số thấp, số lượng các điểm trường tương đối lớn (trên 800 điểm).

Nguyên nhân của những hạn chế do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng, trong khi quy mô học sinh tăng; nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế; 34,4% nhà giáo chưa đạt trình độ đào tạo chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm công vụ của một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn yếu, năng lực tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Việc trang bị tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự hiệu quả.
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm 2021 - 2030, ngành GĐ&ĐT tỉnh tập trung đánh giá, nhận định, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức; tác động của kinh tế - xã hội đến thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển GĐ&ĐT; tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; chuẩn bị và thực hiện các điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Đổi mới công tác quản lý, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; tăng cường an ninh, an toàn trong trường, lớp học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Thực hiện các chính sách phát triển GĐ&ĐT cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục; đẩy mạnh tham mưu việc sắp xếp, quy hoạch lại Trường Cao đẳng Sư phạm và các trường trung cấp chuyên nghiệp; tập trung xây dựng và phát triển đổi ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, ngành GĐ&ĐT cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau: Đẩy mạnh cải cách hành chính về GĐ&ĐT, tích cực thực hiện việc rà soát cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GĐ&ĐT phù hợp với điều kiện và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh và chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thực hiện đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn chức danh. Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GĐ&ĐT, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao bảo đảm tỷ lệ chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục, trong đó, chi thường xuyên bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% dành cho chuyên môn. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GĐ&ĐT giai đoạn 2019 - 2025.

Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT; thực hiện quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện các quy định về thi, đánh giá, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện đổi mới phương thức tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, năng khiếu theo hướng phân cấp, ủy quyền bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về GĐ&ĐT, tiếp tục quán triệt, học tập nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW, Kết luận số 49-KL-TW và các quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GĐ&ĐT. Đẩy mạnh truyền thông về GĐ&ĐT, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới GĐ&ĐT, đặc biệt là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đánh giá cao những thành quả mà giáo dục tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua, đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục tham mưu những chính sách để tiếp tục thực hiện đổi mới, căn bản, toàn diện GD&ĐT, đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thầy, cô giáo. Nhân dịp này cho tôi gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các thầy, cô giáo; chúc các thầy, cô giáo mạnh khỏe, đoàn kết hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tiếp tục thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Theo Baocaobang.vn 
 

 

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1