20 năm đồng hành với người nghèo và đối tượng chính sách
Lượt xem: 2370

Qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP 04/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Gắn kết giữa Chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội và Nhân dân

Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo sau khi tách khỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng được thành lập theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/3/2003.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, NHCSXH đã xây dựng cơ cấu bộ máy đầy đủ, đảm bảo cho hoạt động, số lượng cán bộ đủ cho việc triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi được thông suốt, không bị giãn đoạn. Khi mới thành lập toàn chi nhánh NHCSXH tỉnh có 07 cán bộ, đến 30/6/2022 tổng số cán bộ là 158 cán bộ. Trình độ năng lực cán bộ trong đơn vị đáp ứng được yêu cầu của công việc và từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ tại chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng đạo đức và nghiệp vụ, đảm bảo tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

 

Đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí quản lý..., NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội (CT-XH) gồm Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức CT-XH đã giúp cho NHCSXH thực hiện được chủ trương công khai hóa, dân chủ hoá và xã hội hoá hoạt động tín dụng Ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, nhanh chóng... Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức CT-XH đạt 3.219,6 tỷ đồng, với 56.424 khách hàng đang dư nợ, chiếm tỷ trọng 99,74% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại NHCSXH.

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH trong việc thực thi tín dụng chính sách, NHCSXH tổ chức giao dịch tại các xã/phường/thị trấn để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách. Hoạt động giao dịch xã là cách thức tổ chức giao dịch của NHCSXH với khách hàng tại Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Tại các Điểm giao dịch xã NHCSXH thực hiện công khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ, quy trình, thủ tục của NHCSXH, công khai danh sách hộ vay vốn, dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay, nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH và người dân cùng biết để giám sát hoạt động hoạt động tín dụng chính sách.

 

Điểm giao dịch xã Minh Khai, huyện Thạch An

 

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có 161 Điểm giao dịch/161 xã/phường/thị trấn. Hằng tháng NHCSXH thực hiện giao dịch theo lịch cố định 01 ngày/tháng (kể cả ngày thứ Bảy, chủ Nhật) và trên 95% các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến tín dụng chính sách xã hội (thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn...) đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã. Mô hình Điểm giao dịch xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH, mô hình này đã giúp chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả nhất, tiết giảm chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ Ngân hàng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn, là nơi để Ngân hàng, Chính quyền địa phương, tổ chức CT-XH, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đồng hành cùng người vay để quản lý vốn vay. Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH nơi cho vay thường xuyên phối hợp với tổ chức CT-XH nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các Tổ TK&VV ở cơ sở. Đến 30/6/2022, toàn tỉnh có 2.162 Tổ TK&VV đang hoạt động tại 1.462 thôn, tổ dân phố, thuộc quản lý của 04 tổ chức CT-XH nhận ủy thác với tổng số 56.424 thành viên.

Họp tổ TK&VV xóm Nà Pheo xã Tự Do, huyện Quảng Hòa

Vượt khó, thoát nghèo từ các chương trình tín dụng chính sách

Ngày đầu mới thành lập, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng nhận bàn giao 02 chương trình tín dụng với dư nợ 110,3 tỷ đồng, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách, tăng 17 chương trình cho vay so với khi nhận bàn giao. Trong 20 năm qua, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, tổng nguồn vốn đến 30/6/2022 đạt 3.235,7 tỷ đồng, tăng 3.138,3 tỷ đồng so với năm 2002, tăng hơn 32 lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 156,9 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.705,9 tỷ đồng, tăng 2.608,5 tỷ đồng so với năm 2002, chiếm 83,62%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 77,1 tỷ đồng, tăng 77,1 tỷ đồng so với năm 2002; chiếm 2,38 %/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 452,7 tỷ đồng, tăng 452,2 tỷ đồng, chiếm 13,99%/tổng nguồn vốn.

 

Gia đình chị Hoàng Thị Pính, xóm Minh Loan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An vay mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19

       Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho trên 421.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp cho trên 86.900 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 61.500 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 22.300 em học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; hỗ trợ trên 400 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp...

Cách đây 5 năm, gia đình anh Nông Văn Hải ở xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng là hộ nghèo, có diện tích vườn khá rộng nhưng do thiếu vốn, gia đình anh Hải cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Năm 2014 gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền ban đầu là 15 triệu đồng, đầu tư mua được 01 cặp con trâu cái, sau 3 năm đã đẻ được hai con và bán một con để trả nợ. Tuy nhiên mô hình kinh tế của gia đình vẫn nhỏ lẻ và manh mún, thu nhập chưa ổn định, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Năm 2017, anh tiếp tục xin vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để mua 02 con trâu sinh sản và đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và mua 03 con lợn nái để gây đàn. Đến năm 2020, có 5 con và 20 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng, cho tổng thu nhập sau khi trừ chi phí có lãi trên 100 triệu đồng. Sau mấy năm cần mẫn vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, gia đình anh Hải đã thu được một số kết quả nhất định, đồng vốn chính sách đã phát huy hiệu quả và năm 2020 gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo, trả hết nợ ngân hàng.

Không dừng ở đó, thấy chăn nuôi có hiệu quả, năm 2021 anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư vào nuôi trâu sinh sản và trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, cây cam, cải tạo đất bỏ hoang để trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi trâu. Hiện nay gia đình đã có 7 con trâu và đàn lợn thịt, lợn nái sinh sản giá trị khoảng trên 200 triệu đồng.

Cũng như anh Hải, anh Nguyễn Văn Kỳ ở xóm Nguyên Giáp xã Nam Tuấn, huyện Hòa An được vay trên 70 triệu từ chương trình hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cùng với số tiền gia đình dành dụm được, anh đã mạnh dạn mua máy móc, mua lợn giống, đầu tư trồng cây ăn quả, cây thuốc lá, nuôi gà đẻ trứng... hàng năm gia đình thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách suốt 20 năm qua và cho thấy NHCSXH tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng, luôn là đầu tàu trong công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,98% xuống còn 20,32% (tỷ lệ giảm 12,66% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 13.809 hộ; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (tỷ lệ giảm 20,47% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 19.555 hộ.

Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn và đổi mới để phục vụ tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo

Trong giai đoạn đến 2030, tỉnh Cao Bằng tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, xác định tín dụng chính sách là công cụ của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, nhận tiền gửi từ thành viên của Tổ TK&VV, phấn đấu đạt 100% trở lên kế hoạch tăng trưởng được giao hằng năm. Phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 0,10%/tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn bằng hoặc thấp hơn ở mức bình quân toàn quốc; trên 70% số xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn kỳ cuối và tỷ lệ giao dịch xã bình quân đạt từ 98% trở lên. Đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức CT-XH nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Với những hoạt động thiết thực và hiệu quả suốt 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

 

Dương Liễu

 

 

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1