Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Vài nét về di sản văn hóa đền, chùa, miếu ở Cao Bằng

Di sản đền, chùa, miếu là một thành tố quan trọng trong văn hóa truyền thống của các dân tộc Cao Bằng. Do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và ảnh hưởng tôn giáo, các loại đền, chùa, miếu được hình thành từ xa xưa, đến thời Minh Mệnh đã có 3 chùa quán và 14 miếu trên địa bàn.

Nhân dân dâng lễ trong Lễ hội chùa Phố Cũ, phường Hợp Giang (Thành phố).

Theo nghiên cứu, thống kê, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, đến nay Cao Bằng có gần 300 đền, chùa với hơn 290 miếu thờ nhân thần, vật thần và miếu thờ thổ công. Đó là loại hình di sản văn hóa quý báu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh, đạo giáo. Bên cạnh những nét chung, đền, chùa, miếu của Cao Bằng cũng có những nét đặc trưng riêng mang đặc thù, bản sắc của các dân tộc.

Nội dung hoạt động của các hình thái đền, chùa, miếu ở Cao Bằng chịu sự ảnh hưởng của phong tục, tập quán dân tộc, những quan niệm về giao cảm thần linh và tam giáo: Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo. Từ thời Tiền Lê, Phật giáo trở thành Quốc giáo. Nhưng ở đây, các dân tộc Tày, Nùng quan niệm đạo phật không tồn tại biệt lập, không gắn liền với sư, sãi, phật tử mà hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian. Các ngôi chùa dựng lên nhưng không có sư, sãi, tăng ni quản lý. Trong chùa chẳng những có phật mà còn có các vị thần thánh khác. Thờ phật cùng với các phúc thần khác, đều là đẳng thần trong cùng một không gian thờ cúng; những giáo lý từ, bi, hỉ, xả đều được đồng bào tiếp nhận, làm phong phú thêm đời sống tâm linh, tín ngưỡng.

Hơn nữa, việc phân biệt giữa các khái niệm đền, chùa, miếu của cư dân trên địa bàn tỉnh hầu như không tách bạch, rõ ràng. Theo ngôn ngữ của dân tộc Tày, Nùng (số lượng dân cư chiếm ưu thế toàn tỉnh), "slấn" nghĩa là miếu, "dủa" nghĩa là chùa, không có danh từ đền. Vì thế, có nơi thờ phật, thờ thánh, thờ các đại thần gọi chung là "dủa". Đơn cử như chùa Đống Lân có ban thờ Trần Quý, Trần Kiên; cạnh đó có các vị phật Thích ca, La hán, Thạch Sanh. Hoặc các trường hợp khác của "dủa" như: chùa bà Hoàng, chùa Ngọc Thanh (Thành phố); chùa Quan đế, thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc).

Thực tế, có những công trình tín ngưỡng lúc mới dựng lên với mục đích là thờ thánh, thần nhưng sau này đưa thêm tượng phật vào phụng thờ, đó là tình trạng "tiền thánh, hậu phật" mà vẫn được gọi là chùa. Ví dụ như chùa Phố Cũ (Thành phố), chùa Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt (Hòa An).

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Cao Bằng là một trong những vùng đất cổ có sự giao thoa văn hóa truyền thống mạnh mẽ với đồng bằng trung du Bắc Bộ, văn hóa cung đình thời nhà Mạc. Các công trình đền, chùa, miếu được hình thành và phát triển chủ yếu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ các vị thần linh, nhân thần, vật thần, nhiên thần, các bậc tiền nhân có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các công trình tôn giáo trên địa bàn ít hơn nhiều, chỉ xuất hiện sau thời gian cuối thế kỷ XV, nhà Mạc thất thế lên dung thân tại Cao Bằng. Từ sự giao thoa đó, kiến trúc chùa của Cao Bằng có bố cục mặt bằng chủ yếu là chữ "Tam", chữ "Đinh". Một số chùa kết cấu theo hình chữ "Công". Vật liệu làm chùa là gỗ, tranh, tre, nứa, lá… Trong gian thờ, cách bài trí có sự tương đồng với cái chung của đồng bằng Bắc Bộ nhưng có cái riêng, là sự hòa quyện với tín ngưỡng dân gian.

Về đền, miếu, địa điểm xây dựng thường lựa chọn nơi liên quan đến truyền thuyết, sự tích, sự kiện xảy ra của vị thần linh, siêu nhiên hay một nhân vật danh tiếng nào đó. Đền, miếu thường có bố cục mặt bằng chữ "Nhất", chữ "Nhị", chữ "Tam", chữ "Đinh", phía trước có sân để tiến hành các nghi thức, nghi lễ hoặc lễ hội. Kết cấu đền, chùa chủ yếu bằng gỗ, có nơi bằng trình tường (tường đất nện) như: Di tích đền Hoàng Lục (Trùng Khánh); Quan Đế miếu, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa). Đó là loại hình kiến trúc độc đáo mang bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhìn chung, đền, chùa, miếu ở một tỉnh miền núi, biên viễn như Cao Bằng có số lượng khá phong phú, đa dạng nhưng quy mô kiến trúc còn nhỏ hẹp do sức dân đóng góp xây dựng hạn chế, đầu tư hạn hẹp. Trải qua những năm tháng thăng trầm lịch sử, nhiều công trình kiến trúc đã bị mai một, có điểm chỉ còn là phế tích, hoặc tàn tích sót lại; mặc dù vị trí, ý nghĩa của đền, chùa, miếu vẫn nằm sâu đậm trong tâm thức dân gian. Những năm qua, Nhà nước và địa phương có nhiều cố gắng trùng tu, tôn tạo gắn với phục hồi lễ hội đền, chùa, đẩy mạnh xếp hạng di tích và đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế còn rất khiêm tốn. Để góp phần thực hiện mục tiêu đột phá "coi trọng phát triển du lịch, một trong những ngành mũi nhọn trong kinh tế - xã hội" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trước mắt, phục vụ du khách tham quan ngày càng nhiều sau hậu Covid-19, đòi hỏi mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần xã hội hóa, chung tay xây dựng, trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy hiệu quả di tích đền, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang