Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khai thác du lịch bốn mùa - tiềm năng chưa được “đánh thức”

Kỳ cuối:  “Đánh thức” tiềm năm du lịch bốn mùa - khó khăn và giải pháp

Những năm qua, dù có những sản phẩm du lịch độc đáo nhưng du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đều gặp chung một vướng mắc về tính mùa vụ trong du lịch, các điểm du lịch mới chỉ thu hút du khách vào một số thời gian nhất định trong năm. Trong đó, mùa cao điểm du lịch hầu hết tập trung vào dịp lễ hội, lễ, Tết, nghỉ hè. Điều này khiến các cơ sở lưu trú không phát huy hết công suất; nguồn lao động tại các cơ sở du lịch cũng không được sử dụng hết trong năm; kéo theo nhu cầu nâng cao trình độ, nghiệp vụ của lao động không nhiều; giữa các điểm, tour, tuyến du lịch còn thiếu sự gắn kết.

Du khách tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Dao Tiền tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình).

Đồng chí Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Nhằm phát huy tiềm năng về du lịch, huyện Nguyên Bình xây dựng Chương trình phát triển dịch vụ, du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén giai đoạn 2020 - 2025, đến năm 2035 và nội dung đột phá xây dựng hạ tầng dịch vụ, du lịch Phja Oắc - Phja Đén. Đến nay, một số hạng mục đầu tư hoàn thiện, đưa vào quản lý, khai thác như: Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành; kết nối với khu nhà tường trình của nhóm hộ Nà Rẻo, xóm Tam Hợp, xã Thành Công; điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn trúc sào tại xóm Bản Phường, xã Thành Công; điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc cao 1.931 m. Việc đầu tư xây dựng các dự án trên tạo thành chuỗi du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén, kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh nói chung với mong muốn các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo sẽ ngày càng hấp dẫn được du khách đến với Nguyên Bình cả bốn mùa trong năm.

Huyện Trùng Khánh là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trong đó, các điểm đến thu hút du khách, như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, làng Tày Khuổi Ky, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn… Với những lợi thế trên, Trùng Khánh hoàn toàn có thể phát triển du lịch đa ngành như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa - di sản - lịch sử… Tuy nhiên, dù hội tụ nhiều thế mạnh cho du lịch bốn mùa nhưng các điểm du lịch của huyện hiện mới chỉ khai thác chủ yếu vào dịp mùa hè, lễ hội và mùa thu. Thời gian lưu trú của du khách chủ yếu lưu trú ngắn ngày. Bởi theo chia sẻ của nhiều người, hiện tại, các khu vui chơi, giải trí quy mô ở Trùng Khánh gần như không có, nhất là về đêm khá buồn tẻ.

Thực tế cho thấy, với tiềm năng du lịch tương đối đa dạng và phong phú, không chỉ huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh mà các địa phương trong tỉnh những năm qua đã có rất nhiều chương trình khảo sát và hội nghị, hội thảo đánh giá thực trạng, tiềm năng, giải pháp xây dựng các điểm du lịch có thể phục vụ du khách quanh năm. Tuy nhiên, bài toán phát triển du lịch bốn mùa với nhiều thách thức đặt ra dẫn đến tiềm năng du lịch bốn mùa của tỉnh vẫn chưa được “đánh thức” và phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến du lịch tỉnh hiện vẫn mang tính mùa vụ. Trước hết phải kể đến hệ thống sản phẩm du lịch còn thiếu tính hấp dẫn, đơn điệu, hầu hết chỉ mới tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng. Chậm khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh - vốn được xem là lợi thế của tỉnh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, mua sắm chưa phát triển. Công tác quản lý quy hoạch chưa mang lại hiệu quả cao, tiến độ triển khai các dự án về du lịch sau quy hoạch còn chậm; chất lượng một số quy hoạch còn hạn chế về tính dự báo nhu cầu và xu hướng thị trường. Công tác đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống giao thông tiếp cận một số khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với doanh nghiệp cũng như liên kết giữa các doanh nghiệp trong vấn đề tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến. Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng như môi trường du lịch còn nhiều hạn chế; xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về trách nhiệm trong việc phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến yếu tố mùa vụ du lịch hiện nay.

Để vươn lên trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cơ bản khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ, trong đó, 3 “điểm nghẽn” cần tháo gỡ chính là: đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng; cải thiện môi trường du lịch. Đối với hạ tầng cơ sở du lịch, tỉnh cần tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm du lịch mới tại các tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng điểm với những điểm nhấn đặc sắc về văn hóa truyền thống giàu bản sắc mỗi dân tộc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng, như: du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề, du lịch đường sông. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển khu, tuyến, điểm du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm.

Làm du lịch không chỉ có một nhóm người hoặc “ưu tiên” cho một ngành nào đó mà phải là cả hệ thống chính trị, cả xã hội chung tay vào cuộc. Đầu tư vào du lịch không chỉ có tiền, mà còn là kiến thức, khi đó tiềm năng mới có cơ may biến thành hiện thực. Xây dựng sản phẩm du lịch bốn mùa có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, tạo tính liền mạch trong trải nghiệm của du khách. Quan trọng hơn hết, cách làm du lịch hay việc phát triển bất cứ mô hình hay sản phẩm du lịch nào cũng phải tiệm cận với xu thế chung của du lịch và nhu cầu của du khách thì giấc mơ du lịch bốn mùa miền non nước mới có thể được hiện thực hóa.

Nguồn Báo Cao Bằng

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang